Kết cục Trận Wœrth

Đài tưởng niệm quân Bayern tại Woerth.

Phóng viên thời báo London Times, khi đó đang tháp tùng quân đội Đức, đã ca ngợi tinh thần kiên dũng của cả hai phe trong tác chiến:[15]

Cuộc chiến đấu của người Pháp thật uy dũng. Các tướng Phổ nói rằng họ chưa từng thấy điều gì tuyệt vời hơn thế. Nhưng người Phổ cũng không thể bị phủ nhận. Với sự kiên trì to lớn và quyết tâm sôi sục, họ ồ ạt tràn lên các cao điểm… và, mặc dù liên tục bị chặn đứng, họ vẫn tiến lên với một tinh thần dũng mãnh mà quân địch không cự nổi trong cuộc chiến đấu dai dẳng này…

Trận chiến khốc liệt tại Wœrth-Frœschwiller đã đem lại tổn thất ghê gớm cho quân đội Phổ-Đức, với 489 sĩ quan và 10.153 binh sĩ chết hoặc bị thương[3] – 6/7 trong số này thuộc về hai quân đoàn Phổ. Nhưng MacMahon đã thiệt mất phân nửa lực lượng quân đoàn mình. Số quân Pháp bị giết và bị thương lên đến 11.000 người và phần lớn con số này là do pháo binh Đức gây nên. Hãi hùng trước sự xuất hiện của quân Đức từ các bên sườn và đằng sau, 9.212 sĩ quan và binh lính Pháp còn lành lặn đã nộp mình cho quân Đức (trước sự phấn khởi của các binh sĩ Đức, nhiều tù binh Pháp sau trận đánh đã gọi Napoléon III là "mụ già" và MacMahon là "con lợn" - le cochon).[2].[4][9] Chưa hết, quân đội Phổ-Đức còn lấy được 6 khẩu mitrailleuse, 30 khẩu đại bác, 1 ngọn hiệu kỳ và 4 ngọn quân kỳ. Sự tổn thất những lá hiệu kỳ và quân kỳ này đã đánh một đòn đau vào niềm tự hào và tinh thần chiến đấu của người Pháp.[3][5]

Trung tướng Bose đã hai lần bị thương trong trận đánh và phải giao lại quyền chỉ huy Quân đoàn XI Phổ cho Trung tướng Hermann von Gersdorff. Về phía Pháp, cuộc huyết chiến ở Froeschwiller đã lấy mạng tướng Raoult – Tư lệnh Sư đoàn 3, tướng Colson – Tham mưu trưởng Quân đoàn I – cùng phần lớn các sĩ quan tham mưu quân đoàn này.[5][15]

Tuy nằm ngoài dự định của ông, trận Wœrth là một chiến thắng toàn diện cho vị Thái tử nước Phổ. Thắng lợi này đã khai lối cho Tập đoàn quân số 3 vượt dãy Vosges tiến về nội địa Pháp và Paris, đồng thời dọn đường cho họ đánh xuống Strasbourg – thủ phủ vùng Alsace – ở mạn nam.[6][8]. Ông viết vào nhật ký của mình sau trận chiến: "Hôm nay ta đã đánh bại hoàn toàn Thống chế MacMahon, đẩy quân của ông ta vào một cuộc tháo chạy toàn diện và nhốn nháo". Không chỉ bị quân chủ lực của Friedrich Wilhelm đuổi khỏi những đỉnh núi dễ cố thủ của dãy Vosges và cô lập khỏi quân chủ lực Tập đoàn quân Rhine, Quân đoàn I phải bỏ lại mọi lều trại, gà mèn, bếp dã chiến, nồi niêu, thực phẩm, đạn súng trường, đạn đại bác trong cuộc bỏ chạy tán loạn của mình và hoàn toàn không còn khả năng chiến đấu trong suốt tuần lễ tới. Trước khi rẽ sang phía tây để vượt dãy Vosges, Thái tử Phổ sai tướng Werder dẫn Sư đoàn Baden và một số đơn vị Phổ đi vây hãm Strasbourg vào ngày 7 tháng 8.[3][4][9]

Bản đồ các mũi tấn công của Phổ-Đức ngày 5 và 6 tháng 8 năm 1870

Ngoài ra, theo nhà sử học quân sự Anh David J. A. Stone, trận chiến Wœrth-Froeschwiller cũng là cơ hội cho hai quân đoàn Bayern và Quân đoàn Baden-Württemberg bộc lộ năng lực của mình trong liên minh chiến đấu với Liên bang Bắc Đức do Phổ lãnh đạo, qua đó thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Phổ và các bang Bắc Đức.[3]

Mặc dù chiến thắng Wœrth-Frœschwiller hoàn toàn đáp ứng sách lược của Moltke nhằm bao vây xóa sổ chủ lực Tập đoàn quân Rhine ngay tại biên giới Saarbrücken-Lorraine, những diễn biến trên mạn bắc đã làm hỏng chiến lược ngay từ trước trận đánh:[3] bất chấp mệnh lệnh nghiêm cấm vượt sông Saar của Moltke, vào ngày 5 tháng 8 Steinmetz đơn phương quay tập đoàn quân nhỏ bé của mình xuống mạn nam và tiến đánh Saarbrücken theo những lộ trình hành quân mà Moltke dành riêng cho Tập đoàn quân số 2, đẩy hai tập đoàn quân Đức vào một chiến dịch tấn công trực diện ngoài ý muốn của Bộ Tổng tham mưu. Cùng ngày với trận Wœrth, Tập đoàn quân số 1 và Quân đoàn III (Trung tướng von Alvensleben) của Tập đoàn quân số 2 đánh bại Quân đoàn II của Pháp do tướng C. A. Frossard chỉ huy trong trận Spicheren cách Wœrth 64.4 km về phía bắc, buộc Frossard phải rút quân chạy về Sarreguemines. Thiệt hại của hai bên trong trận đánh lên đến khoảng 5.000 quân Đức và 4.000 quân Pháp.[9][16]

Đúng như sự dự đoán của Thủ tướng Phổ-Bắc Đức Otto von Bismarck, tin tức về các trận Wœrth và Spicheren đã gây choáng ngợp cho các đồng minh tiềm ẩn của Pháp ở châu Âu: người Áo, Đan MạchÝ. Họ từ bỏ mọi ý định tham gia cuộc chiến mà người Pháp xem ra đã bị đánh bại.[9]

Phân tích chiến thuật

Cuộc chiến đấu giữa Trung đoàn Phóng lựu Hộ vệ Vua Friedrich Wilhelm III (số 1 Brandenburgisches) số 8 và Trung đoàn Phóng lựu Bá tước Gneisenau (Colberg) với bộ binh thuộc địa Bắc Phi của Pháp, họa phẩm của Christian Sell.

Cũng như nhiều trận đánh khác trong giai đoạn này, trận Wœrth-Frœschwiller cho thấy lợi thế to lớn mà những tay lính nhà nghề của Pháp có được từ loại súng trường hiện đại của mình. Với tầm bắn và độ chính xác vượt trội các khẩu súng trường nạp hậu Dreyse và Podewils mà bộ binh Đức sử dụng, súng Chassepot đã bắn hạ khoảng 16.000 quân Đức – nhiều hơn gấp đôi tổng số quân Pháp chết và bị thương – trong những trận đánh đầu tiên của chiến dịch năm 1870. Để khắc phục khuyết điểm này, quân Đức ở các trận như Wœrth và Spicheren đã áp dụng một phương pháp thô sơ: họ khai triển bộ binh theo các đội hình dọc cấp đại đội, cố lao thật nhanh cho tới khi các chốt phòng thủ của đối phương nằm trong tầm bắn của súng Dreyse. Đến lúc này, mọi đội hình tấn công của Đức mới phân tán thành một tuyến tản khai, rồi nằm sấp hoặc dựa vào sự yểm trợ của địa hình để tiến hành đấu hỏa lực nhằm thăm dò và tiêu hao sinh lực địch theo phong cách điển hình của họ.[8][17]

Mặc dù chiến thuật nói trên chưa đủ để hạn chế đáng kể con số tổn thất của phía Phổ-Đức, đại thắng của họ đã được quyết định bởi hai yếu tố then chốt của chiến tranh hiện đại:[8]

  • Thứ nhất là ưu thế tuyệt đối về quân số: với lực lượng đông gấp đôi quân Pháp, các đạo binh của Thái tử Friedrich Wilhelm chỉ đơn thuần nới rộng chiến tuyến và bọc sườn các vị trí bố phòng vững chắc của đối phương.
  • Thứ hai là sức mạnh pháo binh: được trang bị pháo rãnh xoắn, nạp hậu hiện đại của hãng Krupp, các đơn vị pháo binh thiện nghệ của Phổ-Đức đã gây thương vong hàng loạt cho quân phòng ngự Pháp từ tầm xa và làm cho bộ binh Pháp hoảng loạn đủ lâu để quân bộ binh Đức vượt qua "vùng tử địa" của các khẩu Chassepot và mitrailleuse rồi tiến vào tầm bắn của mình.[8]

Sau những chiến thắng mở màn ở Wissembourg, Wœrth và Spicheren, Thượng tướng Bộ binh Helmuth von Moltke thực hiện các nước đi kế tiếp của mình một cách nhanh chóng đến mức người Pháp không còn thời gian để tìm cách chế ngự chiến thuật ứng biến dựa vào quân số và pháo binh của đối phương.[8]

Cuộc chiến tại Wœrth-Frœschwiller còn báo hiệu sự chấm dứt của một thời đại trong lịch sử chiến tranh. Qua những các đợt tấn công thất bại của quân thiết kỵ Pháp dưới quyền Michel và Bonnemain, trận đánh cho thấy kỵ binh không còn chỗ đứng trên những chiến trường được chi phối bởi súng trường nạp hậu của chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, các quân đội châu Âu đã lãng quên bài học này trong một thời gian dài trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào mùa hè năm 1914.[2]

Những diễn biến kế tiếp

Pháo binh Phổ chế tạo bởi hãng Krupp, 1870

Hai cuộc thua trận ngày 6 tháng 8, nổi bật trong đó là cảnh tượng pháo binh Đức khoét những lỗ hổng to lớn vào trận tuyến của mình, đã làm sa sút tinh thần quân lực Pháp đồng thời đánh đòn nặng nề vào ý chí của Napoléon.[7][9][18] Buổi sáng ngày 7 tháng 8, ông truyền lệnh cho toàn bộ quân lực rút về Châlons-sur-Marne, để lại mọi quyền chủ động chiến lược trong tay Graf Moltke. Nhưng, trong khi con đường tháo chạy về hướng tây-nam của MacMahon và Failly sau trận Wœrth đã mở rộng khoảng trống giữa 3 quân đoàn I, V, VII ở phía nam và 5 quân đoàn chủ lực Pháp trên mạn bắc, Frossard lại tự ý quyết định rút quân từ Sarreguemines về Metz mà không hỏi ý Napoléon khi hay tin MacMahon đại bại. Cuối ngày 7 tháng 8, sau khi xác định lại tình hình, hoàng đế Pháp đành hạ lệnh cho cánh quân phía nam triệt thoái về Châlons để thành lập một tập đoàn quân mới do MacMahon chỉ huy, còn chủ lực Tập đoàn quân Rhine lui về tập kết tại pháo đài Metz rồi rút tới Châlons theo đường Verdun để hội quân với MacMahon. Chỉ sau một tuần lễ chiến đấu, quân đội Pháp đã hoàn toàn triệt thoái. Đến ngày 12 tháng 8, Napoléon trao quyền chỉ huy Tập đoàn quân Rhine cho Thống chế F. A. Bazaine, nguyên Tư lệnh Quân đoàn III.[6]

Sau khi nhận định lại cục diện chiến tranh, Moltke ra huấn lệnh cho Thái tử Friedrich Wilhelm tiếp tục theo sau cánh quân của MacMahon trong khi ông tập trung điều động các Tập đoàn quân số 1 và số 2 truy kích tiêu diệt chủ lực Tập đoàn quân Rhine. Dưới sự chỉ đạo của Thái tử và Blumenthal, các đơn vị chủ lực của Tập đoàn quân số 3 vượt dãy Vosges mà không vấp phải sự kháng cự nào từ tàn binh Pháp.[3][19][20] Trong vùng núi, quân Bayern và Württemberg đã vây chiếm một số pháo đài đơn lẻ của Pháp như LichtenbergMarsal. Đến ngày 12 tháng 8, Tập đoàn quân số 3 đã ra được khỏi dãy Vosges và nối lại liên lạc với Tập đoàn quân số 2 trên mạn bắc. Vào ngày 16 tháng 8, Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân số 3 thiết lập tổng hành dinh tại Nancy để yểm trợ các hoạt động chủ lực của Tập đoàn quân số 1 và 2 đồng thời chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống[21].[16] Sau khi hai tập đoàn quân Phổ-Đức giành thắng lợi trong các trận Borny-Colombey (14 tháng 8), Mars-la-Tour-Vionville (16 tháng 8), Gravelotte-St. Privat (18 tháng 8) và cô lập hoàn toàn Bazaine trong pháo đài Metz, tướng Moltke bắt đầu xoáy trọng tâm sang MacMahon. Để lại Tập đoàn quân số 1 và 4 quân đoàn của Tập đoàn quân số 2 vây hãm Metz, ông rút 3 quân đoàn khỏi biên chế Tập đoàn quân số 2 để thành lập Tập đoàn quân Maas do Thái tử Albert xứ Sachsen chỉ huy, và truyền lệnh cho Tập đoàn quân Maas cùng với Tập đoàn quân số 3 tiến về Châlons để dứt điểm chiến dịch.[9]

Về phía mình, MacMahon đã có mặt cùng Napoléon ở Châlons từ ngày 16 tháng 8. Sau khi được tăng cường lực lượng, hai ông thành lập Tập đoàn quân Châlons vào ngày 21 tháng 8. Dưới sức ép của dư luận Pháp, Napoléon và MacMahon mang quân đến Rheims và sau đó đến Montmédy trong một nỗ lực nhằm đi vòng qua sườn của Moltke và giải vây cho Metz. Nhưng tướng Moltke đã phát giác được cuộc hành quân này vào ngày 25 tháng 8 và ông điều các đạo quân hùng mạnh của hai thái tử Bắc Đức rẽ sang hướng tây bắc để đuổi bắt đối phương. Ngày 30 tháng 8, quân của hai thái tử đã bắt kịp và đánh tan Quân đoàn V Pháp ở Beaumont, buộc MacMahon phải rút quân vào Sedan. Tại đây, 20 vạn quân Đức đã vây kín Tập đoàn quân Châlons vào ngày 1 tháng 9 năm 1870. Hôm sau, Napoléon III, MacMahon cùng toàn bộ lực lượng của mình ra đầu hàng. Chẳng bấy lâu sau, Paris rơi vào vòng vây của hai vị thái tử Đức.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận Wœrth http://woerth-en-alsace.com/franc/Presentatmusee.h... http://www.laguerrede1870enimages.fr/ http://www.omaha-beach.org/Travel/1870/Woerth.html http://battlefieldseurope.co.uk/woerth.aspx http://books.google.com.vn/books?id=5z6NTY2YxR8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=6ulFAwAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vEqqKo_IGPcC&p... https://archive.org/stream/menwhohavemadene02stra/... https://web.archive.org/web/20051217020440/http://...